Đọc sách giả là giết chết sách thật!!!

Đọc sách giả là giết chết sách thật!!!

 

Từ trước đến nay, thói quen đọc sách đã trở thành một nét đẹp văn hóa, giúp chúng ta lĩnh hội nhiều nguồn tri thức khác nhau trên khắp thế giới. Cùng sự phát triển của xã hội, ngày càng nhiều những cuốn sách được ra mắt và xuất bản với rất nhiều thể loại, chủ đề lĩnh vực khác nhau, để phục vụ cho nhu cầu đọc và tìm hiểu của con người trong đời sống. Theo đó, việc lựa chọn những cuốn sách chất lượng và đảm bảo đó là sách được xuất bản, in ấn của tổ chức, đơn vị được ủy quyền bởi chính tác giả đang là vấn đề đáng quan tâm hiện nay.

 

Khi một cuốn sách ra đời, sách thật và sách giả sẽ song hành xuất hiện trên thị trường tiêu thụ. Không kể đến bộ phận người mua sách thật, đa số những người mua và đọc sách giả là học sinh, sinh viên và những người chưa có việc làm. Những người mua sách giả là vì họ không có đủ kinh phí để tìm đến những cuốn sách thật bởi giá thành của những cuốn sách đó cao gấp đôi so với những cuốn sách được mua tại cửa hàng sách giả.

 

Chính vì thế, thị trường sách điện tử (ebook) ra đời đã giải quyết được phần nào tình trạng mua bán sách giả, sách không có nguồn gốc chính thống. Bên cạnh đó, giá thành khi mua sách ebook thường rẻ hơn rất nhiều, chưa đến một nửa giá so với sách giấy, khá phù hợp với học sinh, sinh viên, những người có thu nhập thấp,… hay bất kì ai đều có thể dễ dàng tiếp cận, lĩnh hội nguồn kho tàng kiến thức khổng lồ của cả nhân loại, từ kiến thức về văn hóa, khoa học cho đến cách lĩnh vực về giải trí và những kiến thức xã hội.

 

Việc tạo cho mình thói quen đọc sách không chỉ giúp ích cho mỗi cá nhân mà còn đem lại rất nhiều ý nghĩa giá trị cho cuộc sống. Sách vốn dĩ là sản phẩm văn hóa, trí thức của nhân loại, bồi đắp kiến thức cho người đọc. Thế nhưng hiện nay, sách lậu, sách giả sai rất nhiều lỗi, in ấn cẩu thả, lem nhem… một bộ phận không nhỏ người mua không quan tâm đến chất lượng nội dung mà chỉ chăm chăm nhìn vào giá tiền ở đâu bán rẻ hơn thì mua.

 

Hậu quả mà sách lậu mang lại thiệt hại cho các công ty sách và các nhà xuất bản nơi “ sản xuất” ra những cuốn sách thật. Họ bị thiệt hại về kinh tế và uy tín bởi họ đã phải bỏ tiền ra mua bản quyền, dịch, hiệu đính, biên tập, trình bày và cho ra đời những đứa con tâm huyết với bao công sức và trí tuệ. Nhưng rồi bị cướp trắng trợn, hất tay trên bởi những nhà in ấn sách lậu. Vậy thì còn chỗ đứng nào dành cho sách thật?

 

Đã đến lúc phải xây dựng một quy định đặc thù đối với sách giả sách lậu, hoặc phải coi đó là hành vi sản xuất hàng giả và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này. Trong lúc chờ đợi có những thay đổi mang tính bước ngoặt trong quản lý nhà nước thì mỗi người đọc chúng ta cần kiên quyết nói không với sách giả, sách lậu. Chỉ có vậy, cuộc chiến với sách giả, sách lậu mới mong được khép lại.