Thực hành nghiên cứu định lượng: Tình huống nghiên cứu chia sẻ tri thức giữa các giảng viên đại học
4.5
1979
Lượt xem
2
Đã bán
Chọn sản phẩm
Sách giấy
Tạm hết hàng
Thông tin xuất bản
NXB
Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân
Người dịch:
Năm XB:
2021
Loại sách:
Sách giấy; Ebook;
Khổ sách:
16 x 24 cm
Số trang:
339
Quốc gia:
Việt Nam
Ngôn ngữ:
vi
Mã ISBN:
Mã ISBN Điện tử:
978-604-330-075-8

Việt Nam đang hướng đến một nền kinh tế tri thức với những nỗ lực trong việc thúc đẩy sáng tạo tri thức trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cùng với xu hướng phát triển chung của đất nước, lĩnh vực giáo dục - đào tạo đã và đang thực hiện cuộc đại cách mạng mang tính căn bản, toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, song như đã nêu trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI: “Lĩnh vực giáo dục - đào tạo vẫn bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể là chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học; Các phương thức giáo dục, đào tạo… còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành...” Từ những đòi hỏi của quá trình đổi mới, ngày 24/10/2014 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017. Tư tưởng cốt lõi của Đề án và Quyết định trên là chuyển các trường đại học công lập từ cơ chế được Nhà nước bao cấp sang cơ chế tự chủ, do đó, để giản tiện, người viết xin gọi cơ chế đổi mới của trường là cơ chế tự chủ (Trần Minh Đạo, 2015). Nghị quyết này cũng đã mở ra một cơ hội mới cho các trường Đại học công lập, theo đó các trường đã có quyết định gồm: Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định số 2377/QĐ-TTg, ngày 29/12/2014); Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Quyết định số 368/QĐ-TTg, ngày 17/3/2015); Trường Đại học Ngoại Thương (Quyết định số 751/QĐ-TTG, ngày 02/6/2015); Trường Đại học Hà Nội (Quyết định số 377/QĐ-TTg, ngày 20/3/2015); Trường Đại học Bách Khoa Hà nội (Quyết định số 1924/QĐ-TTg, ngày 6/10/2016)... (đến năm 2021 đã có 23 trường Đại học có quyết định, trong đó khu vực Miền Bắc có 9 trường đại học). Ngay sau khi có các quyết định chuyển đổi sang cơ chế hoạt động tự chủ, các trường Đại học đã tổ chức, triển khai các hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu, kế hoạch trong Đề án đưa ra. Điều này được cụ thể hóa bằng các thay đổi mang tính chất chiến lược, bắt buộc mà các trường phải thực hiện như: Thành lập Hội đồng Trường; Triển khai các hội thảo, hội nghị khoa học, nhằm đưa ra các giải pháp để đạt được các mục tiêu, kế hoạch trong đề án; Lịch trình tăng học phí; Đánh giá, kiểm định chất lượng, ba công khai,… Bên cạnh đó, với sức lan tỏa của cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, sự phát triển của công nghệ sẽ ngày càng nhanh chóng và mạnh mẽ với những thay đổi vượt bậc. Vì thế, các trường đại học ở Việt Nam cần phải tập trung phát triển theo chiều sâu, chủ động đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khai thác, truyền đạt tri thức và phát triển công nghệ thì mới có thể bắt kịp sự tiến bộ không ngừng của công nghệ và nắm bắt hiệu quả các cơ hội to lớn mà cuộc cách mạng này mang lại.

Bên cạnh đó, hầu hết các nghiên cứu chia sẻ tri ​​thức tập trung ở các nước phương Tây vì lý thuyết chia sẻ tri ​​thức chủ yếu được phát triển ở đây (Ma và cộng sự, 2014), các nghiên cứu về chia sẻ tri thức tại các nước phương Đông chưa được đề cập nhiều. Trong khi đó, toàn cầu hóa làm nền kinh tế có sự cạnh tranh ở phạm vi rộng, chia sẻ tri ​​thức do đó cũng có ý nghĩa đối với tổ chức ở các nước đang phát triển (Burke, 2011). Đặc biệt, giáo dục là một trong những ngành nghề đào tạo đòi hỏi mức độ chia sẻ tri thức cao giữa các giảng viên (Siadat và cộng sự, 2012) vì đây là một ngành có yêu cầu cao đối với các giảng viên, các nhà quản lý về kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm. Những tri thức đó cần được chia sẻ để từng cá nhân, từng bộ phận đều có thể lĩnh hội, áp dụng vào công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học từ đó, đem lại hiệu quả hoạt động cho tổ chức. 

Cuốn sách chuyên khảo này cung cấp những nguyên lý cơ bản về phương pháp nghiên cứu định lượng với cách tiếp cận theo chuẩn mực quốc tế và áp dụng phương pháp này trong thực hành nghiên cứu quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh nói chung và chia sẻ tri thức giữa các giảng viên trong các trường đại học ở Việt Nam nói riêng. Cuốn sách cung cấp những thông tin hữu ích và đặc biệt phù hợp cho độc giả là các nhà nghiên cứu trẻ, các nghiên cứu sinh, học viên cao học trong lĩnh vực Quản lý kinh tế, Quản trị kinh doanh, Hệ thống thông tin, Công nghệ thông tin. Ngoài ra, cuốn sách cũng có thể là tài liệu tham khảo tốt cho các nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn trong nhiều lĩnh vực xã hội khác có quan tâm tới việc tìm hiểu và sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng, sử dụng các phần mềm hỗ trợ trong việc phân tích như SPSS, AMOS,…

Ngoài phần giới thiệu và danh mục tài liệu tham khảo, cuốn sách này gồm 6 chương. 

Chương 1. Nghiên cứu định lượng: Một số vấn đề cơ bản: trình bày một số vấn đề cơ bản về phương pháp nghiên cứu định lượng. 

Chương 2. Cơ sở lý thuyết và các nhân tố ảnh hưởng đến chia sẻ tri thức: trình bày về cơ sở lý thuyết và các nhân tố ảnh hưởng đến chia sẻ tri thức. 

Chương 3. Các giả thuyết và mô hình nghiên cứu: trình bày về các giả thuyết và mô hình nghiên cứu sử dụng trong nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chia sẻ tri thức giữa giảng viên trong các trường đại học.

Chương 4. Phương pháp nghiên cứu: trình bày về quy trình nghiên cứu, phát triển thang đo và các bước tiến hành nghiên cứu.

Chương 5. Phân tích số liệu và kết quả nghiên cứu: trình bày về phân tích số liệu và kết quả nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chia sẻ tri thức giữa giảng viên trong các trường đại học.

Chương 6. Bình luận về kết quả nghiên cứu và kiến nghị: bàn luận về kết quả nghiên cứu và một số kiến nghị về các giải pháp thúc đẩy chia sẻ tri thức giữa giảng viên trong các trường đại học.

Cuốn sách này được trình bày theo hướng kết hợp giữa các nguyên lý về nghiên cứu định lượng và thực tiễn sử dụng phương pháp trong các nghiên cứu mang tính học thuật. Ngoài việc giới thiệu các nguyên lý có tính lý thuyết, các ví dụ cụ thể về các công trình nghiên cứu có sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng được sử dụng để minh họa cho nội dung của mỗi chương; đặc biệt trong sách có sử dụng các công trình nghiên cứu của chính các tác giả. 

Tác giả xin trân trọng cảm ơn các đồng nghiệp, các nhà khoa học và nghiên cứu sinh ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và các trường đại học được lựa chọn khảo sát đã đóng góp ý kiến quý báu cho các bản thảo của cuốn sách này. Mặc dù tác giả đã rất nỗ lực, nhưng cuốn sách khó tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót do được biên soạn lần đầu. Tác giả rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, đồng nghiệp, nghiên cứu sinh, học viên, và bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong những lần xuất bản sau.

Bình luận